Chùa Viên Quang
Tübingen, Đức Quốc

Giới Thiệu


Chùa Mới

Tôi đi thăm „chùa mới“ ở làng Bühl, thuộc thành phố Tübingen vào một buổi chiều cuối tháng 4, 2017. Năm nay trời tháng 4 rồi nhưng sao khí hậu vẫn còn rất lạnh. Lạnh suốt cả đêm cả tuần, lại còn có những ngày bầu trời ảm đạm, tuyết rơi đầy. Năm nay thật là kỳ lạ! Trời lạnh làm những nụ non trên những cành lê, cành táo trong những ngày đầu xuân vừa đơm hoa kết nhụy đã dần dần chết. Mọi người đoán rằng năm nay trái cây ở Đức sẽ mất mùa, sẽ đắt đỏ hơn. Kinh nghiệm của những năm trước, khí hậu ôn hòa, kết quả trái cây tha hồ mua ăn vì rẻ, ngược lại thì phải nhập cảng từ các nước miền nam Âu Châu vào, giá thành đắt hơn.

Nhưng hôm tôi đến đứng bên khuôn viên „chùa mới“, trời nắng hanh, bầu trời quang đảng, ấm áp, và gặp một gia đình của anh chị Việt Nam từ thành phố Rottenburg, cách chùa khoảng 10 cây số, cũng đang đến thăm. Chúng tôi đứng nói chuyện về ngôi chùa sẽ hình thành nơi đây trong nay mai. Trời ấm nên chị và đứa con gái mặc chiếc áo khoát mỏng, dành cho mùa xuân, còn anh áo trắng ngắn tay. Chúng tôi, cũng giống như đại đa số dân tị nạn, hoặc không tị nạn Việt Nam ở vùng này, hẳn là đang rất vui mừng vì sắp có một ngôi chùa trong vùng địa phương mình cư ngụ. Cả một vùng rộng lớn kéo dài từ thành phố Ulm phía đông, qua đến thành phố Karlsruhe phía tây; từ phía bắc là thành phố Heilbronn kéo ngang qua thành phố Stuttgart, xuống đến những thành phố phía nam nằm cạnh dòng sông Donau như Gomadingen, Sigmaringen, Tuttlingen, Rottweil... lâu nay không có một ngôi chùa! Mãi đến hôm nay mới tạm gọi là có chùa. Thời gian chờ đợi có đến gần 20 năm! Trong gần 20 năm nay chúng tôi lễ lạc, sinh hoạt trong căn phòng, mà chúng tôi gọi là Niệm Phật Đường Tam Bảo ở thành phố Reutlingen, cách thành phố Tübingen khoảng 10 cây số. Phòng được trang hoàng thành chánh điện, rộng chừng 50 mét vuông, chứa khoảng 50 người kể cả bàn thờ các vị Phật, và bàn thờ hương linh các vị quá cố. Khi có lễ lớn như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Tết Việt Nam, có khoảng trên dưới 150 Phật tử đến tham dự, thì các Phật tử đến sớm chỉ còn biết „chen chút“ trong chánh điện, còn các Phật tử đến muộn chỉ còn biết đứng phòng bên ngoài (nơi có bàn làm việc cho sư bà, sư cô trong ngày thường và trở thành bàn bán bánh và những món ăn chay trong những ngày lễ), đứng trong nhà bếp, đứng ngoài hành lang v.v... để nghe tụng kinh, thuyết pháp, với tiếng được tiếng mất!

Đang đứng nói chuyện nhưng tôi không rõ gia đình anh chị đến từ thành phố Rottenburg nghĩ gì, tâm hồn vui vẻ ra sao, đến mức nào, còn riêng tôi, thú thật rất là vui. Vui nhất là thấy „chùa mới“ nằm trên khu đất tương đối yên tỉnh, có hai mặt nhìn ra được quang cảnh thật xa, màu xanh của những cánh rừng, đồi núi. Diện tích đất khá rộng. Ngôi trường học cũ, có hai tầng, khá lớn, nay mai đây sẽ được trùng tu để thành ngôi chùa chắc có thể cử hành lễ lạc cho đến gần 200 người tham  dự.

Tôi thấy vui vì từ đây các bác lớn tuổi, những người đơn côi đang cần ngôi chùa để được sống và thực hành tu tập trong chùa đã được toại nguyện. Ngoài ra còn niềm vui khác là khi nghĩ đến các em bé, thanh thiếu niên Việt Nam còn trẻ. Có ngôi chùa rồi, ắt hẳn sẽ có những sinh hoạt Phật sự, những ngày lễ lạc, học giáo lý với các quý thầy, sư cô, Gia Đình Phật Tử v.v... hy vọng sẽ giúp các em, các cháu xây dựng được cuộc sống tốt hơn sau những ngày học hành hay làm việc mệt nhọc. Người theo đạo Phật thường nói, ở gần chùa lâu dần rồi cũng thuộc kinh, hay hai câu thơ nói về ngôi chùa đã được lưu truyền:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tiên

Rất đúng theo những suy nghĩ của người viết bài này.

Lâu nay có khá nhiều anh chị em trước đây họ ít khi đi chùa, hoặc không đi chùa, nhưng sau khi cha mẹ qua đời, nhờ quý thầy về làm lễ cúng vái, phát tang, tụng kinh..., rồi anh chị cũng phải lên chùa để cúng tuần cho cha mẹ. Sau những ngày đó, dù thời gian gần thầy gần chùa ít nhưng cũng đã nhập tâm vào anh chị rằng, còn người dù sống trong xã hội đầy vật chất nhưng cũng cần có những sinh hoạt tâm linh, cần một bạn đạo, một thầy, một ngôi chùa để sinh hoạt, để gần gũi mà hành thiện. Cuối cùng anh chị đã trở nên những Phật tử rất thuần thành và bỏ ra công sức rất nhiều để hộ trì Tam Bảo.

Ngôi chùa mới ở vùng Tübingen sẽ do hai vị nữ tu là sư bà Thích Nữ Như Viên và sư cô Thích Nữ Hạnh Trang trụ trì. Đây là hai vị nữ tu mà gần 20 năm nay đã gắn bó với Niệm Phật Đường Tam Bảo ở thành phố Reutlingen. Gần 20 năm ắt hẳn ai cũng thấy Niệm Phật Đường Tam Bảo chật chội như thế nào, và ai cũng thấy là tìm một ngôi chùa mới rộng hơn thật sự rất quan trọng cho đồng bào Phật tử miền tây nam nước Đức này như thế nào.

Nghe sư cô Hạnh Trang rất lo lắng về vấn tài chánh để mua, trùng tu, sửa sang, trang hoàng chánh điện và nhiều việc khác nữa như tiền trả cho hãng môi giới, Notar, kiến trúc sư, thợ làm việc v.v... cho ngôi chùa mới, tôi mạo muội viết bài này, với tâm nguyện cầu xin các vị đạo hữu ở khắp mọi nơi cố gắng kẻ ít người nhiều góp phần công đức để ngôi chùa mới nơi đây sớm thành tựu. Vì nếu không có tiền sẽ không làm được gì cả, mà sư bà, sư cô cũng chỉ biết kêu gọi đến lòng hão tâm của người Việt, Phật tử chúng ta mà thôi.  

Tôi đã đi qua nhiều ngôi chùa, trú ngụ trong nhiều ngôi chùa, tôi thật sự rút ra bài học, nếu lạc đường, đói ăn, khát nước, mình vào chùa sẽ không những được no lòng, hết khát, có chỗ nghỉ qua đêm đàng hoàng, mà còn được nghe những lời hay ý đẹp từ các vị trụ trì làm thân tâm mình an lạc hơn. Hy vọng ngôi chùa ở vùng Tübingen-Reutlingen này trong tương lai, với người ở gần thì không nói làm gì, còn những khách phương xa có dịp đến vùng này sẽ được chùa đón tiếp với lòng hoan hỉ từ bi từ hai vị trụ trì, và hy vọng khi quý vị rời chùa, mãi mãi quý vị sẽ mang theo hình ảnh đẹp từ ngôi chùa của vùng miền Tübingen-Reutlingen đầy núi đồi, sông suối này. Cả tình người, tình bạn đạo và cả tình đối với thiên nhiên cảnh vật thật đẹp ở đây.

Nguyện đem công đức này hướng về Ngôi Tam Bảo sẽ được xây dựng nơi thành phố Tübingen-Reutlingen trong thời gian tới.

Vũ Nam